Thursday, April 25, 2024
spot_img
spot_img

Sôi động thị trường M&A bất động sản năm 2022

-

Thị trường M&A bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra khá sôi động khi hàng loạt các giao dịch mua lại những dự án, khu đất “khủng” của các chủ đầu tư trong nước, song song đó các nhà đầu tư ngoại cũng tăng cường đầu tư vào bất động sản Việt Nam.

CÁC THƯƠNG VỤ M&A BẤT ĐỘNG SẢN NỔI BẬT

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn FDI vào bất động sản Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới với 10,06 tỷ USD đứng thứ 2 trong các lãnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đến 26% tổng vốn đầu tư FDI vào bất động sản Việt Nam.

Theo những dữ liệu được chia sẻ từ Cushman & Wakefield cho thấy tỷ lệ vốn của các thương vụ M&A bất động sản như sau: bất động sản văn phòng chiếm 39%, công nghiệp chiếm 35% và khu đất phát triển dự án chiếm 26% tổng giá trị các thương vụ M&A bất động sản.

Các giao dịch đáng chú ý nhất đa số xuất hiện từ đầu năm 2022, điển hình là thương vụ mua lại tòa văn phòng hạng A Capital Place (Hà Nội) từ CapitaLand Development của Viva Land với giá 550 triệu USD hay dự án Grand Sentosa là dự án được Novaland tái định vị thành chung cư cao cấp khi chủ đầu tư này mua lại Kenton Node (TP.HCM). Ngoài ra còn một thương vụ đình đám nhất là dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An về tay Masterise Homes tại khu đông TPHCM và được đổi tên thành The Global City.

Mới đây, Novaland còn nhận được nguồn vốn 250 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) nhằm phát triển các dự án hiện hữu và gia tăng quỹ đất cho chủ đầu tư này tại những vị trí chiến lược. Ngoài ra, một chủ đầu tư lớn khác là Hưng Thịnh Land trước khi lên kế hoạch IPO cũng nhận 103 triệu USD từ 2 quỹ đầu tư là VinaCapital và Dragon Capital.

M&A bất động sản năm 2022
Dự án 13 năm tuổi của Tài Nguyên là Kenton Note về tay Novaland và được đổi tên thành Grand Sentosa từ đầu năm là một trong những thương vụ nổi bật nửa đầu năm 2022.

THỊ TRƯỜNG M&A BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP ĐÁNG CHÚ Ý NHẤT

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield đánh giá thì phân khúc được chú ý nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp với hàng loạt sự kiện nổi bật. Khởi đầu là sự thành lập của GLP Vietnam Development Partners I nhằm phát triển 6 trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2 với mức đầu tư 1,1 tỷ USD.

Đến tháng 02/2022, BW công bố thông tin mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở Quảng Ninh, còn CapitaLand Development kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang để phát triển một khu đô thị – công nghiệp – logistics có quy mô hơn 400 ha tại Bắc Giang, dự án có giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD.

Trong số những giao dịch đáng chú ý gần đây còn có việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD (theo thống kê từ Cushman & Wakefield).

Ngoài những loại hình và phân khúc bất động sản truyền thống, vào tháng 06/2022, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners (Hong Kong). Đây là dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 quy mô hơn 6.000 m2 nằm tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

NGUỒN VỐN FDI VÀO BẤT ĐỘNG SẢN CHẤT LƯỢNG HƠN

Theo đại diện của Cushman & Wakefield, bà Trang Bùi nhận xét: “Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phân khúc nhà ở và công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Đồng tình với nhận định của bà Trang Bùi, ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội nhấn mạnh 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.

Tuy nhiên, ông nhận xét số vốn FDI giải ngân thực tế không như cam kết do nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án, dẫn đến chậm tiến độ triển khai. Do đó cơ quan quản lý cần sớm rà soát và điều chỉnh khung pháp lý với các loại hình bất động sản, cũng như chính sách đầu tư nước ngoài theo kịp biến động toàn cầu.

Tổng hợp Internet

Tin mới

Danh mục thông tin