Monday, May 20, 2024
spot_img
spot_img

Đánh thuế căn nhà thứ hai, chống đầu cơ bất động sản

-

Nhiều chuyên gia ủng hộ xây dựng Luật Thuế bất động sản và đánh thuế căn nhà thứ hai nhằm chống đầu cơ, bỏ hoang lãng phí nguồn lực. Thế nhưng việc này cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

danh-thue-can-nha-thu-hai
Nhiều ý kiến ủng hộ việc đánh thuế căn nhà thứ hai nhằm tránh đầu cơ thổi giá

Đánh thuế căn nhà thứ hai

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, dự thảo đề xuất giao Bộ Tài chính nghiên cứu, có giải pháp để điều tiết, phát triển bền vững thị trường, chống đầu cơ bất động sản trong trung và dài hạn. Nội dung này đang thu hút quan tâm của dư luận.

Chia sẻ quan điểm của mình xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc xây dựng Luật Thuế bất động sản là điều cần thiết và phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế, bởi nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Việc sử dụng công cụ thuế để điều hành và điều tiết thị trường, nhất là trong quá trình kiểm soát hoạt động đầu cơ, tích trữ cũng như ảnh hưởng đến giá bất động sản bị đẩy lên cao, là vấn đề được quan tâm từ các nhà quản lý và doanh nghiệp.

Để giám sát các hoạt động trên thị trường bất động sản một cách hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển tốt nhất, Việt Nam cần có một bộ luật Thuế Bất động sản đầy đủ.

Nói về nguyên tắc đánh thuế, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thuế bất động sản không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ. Luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao.

Trên thực tế, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 – 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Đánh thuế căn nhà thứ hai cần có lộ trình

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group cũng ông ủng hộ việc áp thuế bất động sản thứ hai trở đi. Nhưng ông Thắng cho rằng, cần đưa ra một lộ trình cụ thể, có thể kéo dài trong giai đoạn 3-5 năm và áp dụng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,…

Mặt khác, với tình hình thị trường bất động sản còn nhiều thách thức như hiện nay, việc đóng thuế bất động sản thứ hai trở lên sẽ khiến thị trường bị kéo dài thời gian phục hồi.

Cũng theo ông Thắng, vấn đề quan trọng nhất chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý đất đai, bao gồm thông tin về người sở hữu và định giá bất động sản (bao gồm đất và tài sản gắn liền). Từ đó mới có thể xác định được chủ sở hữu của bất động sản thứ hai và thuế phải đóng.

Luật sư Đoàn Minh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đưa ra lưu ý khi đánh thuế căn nhà thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần phân định rạch ròi trường hợp người sử dụng đất là cá nhân với người sử dụng đất là tổ chức. Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, do nhu cầu mở rộng địa điểm kinh doanh, tiếp cận tốt hơn đến các đối tượng khách hàng, doanh nghiệp phải ký kết rất nhiều giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất.

“Với mỗi giao dịch trên, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều nghĩa vụ tài chính, do đó, nếu không có quy định rõ ràng, áp lực về thuế của doanh nghiệp sẽ tăng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp trẻ”, Luật sư Đoàn Minh Đức nhấn mạnh.

Tổng hợp Internet

 

Tin mới

Danh mục thông tin